Chặn đà lao dốc của xuất khẩu đồ gỗ

Ngày đăng: 21/08/2023 09:56 AM

    Sụt giảm mạnh sau nhiều năm tăng trưởng 2 con số

    Chia sẻ về tình hình xuất khẩu ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiểm Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ sụt giảm mạnh sau nhiều năm tăng trưởng 2 con số. Nguyên nhân bên cạnh những tác động chung như xung đột địa chính trị, lạm phát, nhu cầu tiêu dùng giảm còn do thị trường Hoa Kỳ khởi xướng điều tra với một số sản phẩm gỗ và đồ gỗ của Việt Nam, quy định liên quan đến môi trường và rừng của EU…

    Phân tích về thị trường rất lớn của ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài cho biết, Hoa Kỳ là thị trường rất lớn của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm từ 50-55% tổng giá trị xuất khẩu. Năm 2022, mặc dù vừa qua đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu được 8,3 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ. Đặc biệt năm trước đó dù giữa đại dịch, kim ngạch xuất khẩu vẫn gần 9 tỷ USD.

    Nửa đầu năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm đồ gỗ giảm sâu.	Ảnh: ST

    “Sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ thường chiếm từ 35-40% tổng giá trị nhập khẩu của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, năm nay xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ giảm khá mạnh, thậm chí giảm sâu hơn so với mức giảm bình quân. Cụ thể xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ 6 tháng giảm 32,8%, nếu so với tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm hơn 21% thì ngành gỗ có mức giảm sâu hơn”, đại diện VIFOREST lưu ý.

    Theo ông Ngô Sỹ Hoài, ngoài lý do chung về tình hình kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì ngành gỗ bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của ngành bất động sản. “Thường sản phẩm gỗ ăn theo công nghiệp bất động sản, tại Hoa Kỳ ngành bất động sản những tháng đầu năm trầm lắng. Do đó, tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm gỗ từ tất cả các nguồn sang Hoa Kỳ đều giảm chứ không riêng Việt Nam”, ông Ngô Sỹ Hoài phân tích.

    Tuy kết quả những tháng đầu năm không khả quan, song theo ông Ngô Sỹ Hoài vẫn có những tín hiệu lạc quan. Chẳng hạn với thị trường Hoa Kỳ, tháng 6 xuất khẩu vào thị trường này được 638 triệu USD chỉ giảm 18,4% so với cùng kỳ. Do đó, đại diện VIFOREST tin rằng những tháng tới khi tình hình thị trường ấm dần hết thì có thể duy trì ít nhất không giảm sâu như bây giờ. Bởi doanh nghiệp Việt Nam đã khẳng định được vị thế trên thị trường, chứng tỏ bản lĩnh và năng lực cạnh tranh thực sự.

    Về phía doanh nghiệp ngành gỗ, bà Lê Hải Liễu, đại diện Công ty gỗ Đức Thành cũng cho rằng, gần đây dấu hiệu bắt đầu lạc quan, khi có những đơn vị tiếp tục đặt hàng, hỏi hàng và công bố luôn số lượng sẽ dự định đặt trong tương lai. Tuy vậy, tình hình chung vẫn chưa trở lại được như cũ. Đại diện Công ty gỗ Đức Thành cho rằng, doanh số sụt giảm do nền kinh tế nói chung, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do đời sống khó khăn, nếu tình hình kinh tế bình ổn trở lại thì nhu cầu rất lớn.

    Nắm bắt tín hiệu lạc quan

    Ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, dù đang đối diện thách thức lớn nhưng không nên quá bi quan bởi đây chỉ là nhất thời. Để lấy lại tăng trưởng xuất khẩu cho ngành hàng, trong đó có sản phẩm gỗ, theo ông cần sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, thương vụ tiếp thị sản phẩm gỗ của Việt Nam tìm kiếm thị trường, truyền tải thông điệp Việt Nam thực hiện mạnh mẽ cam kết cung cấp sản phẩm gỗ hợp pháp; chuẩn bị thực hiện nghiêm chỉnh quy định của EU.

    Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada, tiềm năng xuất khẩu mặt hàng gỗ sang thị trường Canada còn lớn. Chẳng hạn, mặt hàng gỗ và than từ gỗ là mặt hàng có nhiều triển vọng tăng trưởng nhanh vào địa bàn. Hàng năm, Canada có nhu cầu nhập khẩu khoảng 4 tỷ USD đối với nhóm mặt hàng này. Mặc dù trong các tháng đầu năm 2023, Canada có nhu cầu giảm mạnh với mặt hàng này so với cùng kỳ 2022 (giảm 17,2%). Tuy nhiên, cùng với Đức, Mexico, Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu cao vào Canada.

    Hiện nay, Canada đang giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm. Nếu vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng như trong các tháng đầu năm, dự kiến năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu được khoảng 45 triệu USD sang Canada. Đây là mặt hàng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao sau CPTPP, từ 11 triệu USD lên 32 triệu USD, tức 233%.

    Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho rằng, Hiệp định EVFTA giúp các ngành hàng dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam tăng xuất khẩu vào EU. Để tận dụng được các ưu thế này, đáp ứng quy tắc xuất xứ là rất quan trọng. Mặt khác, EU đang chuyển mạnh sang kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp trong nước cần chuyển đổi bởi khi các quy định đi vào thực thi sẽ ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu của doanh nghiệp. Thương vụ Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia các hội chợ triển lãm, tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương, mở rộng cơ hội xuất khẩu tại EU.

    Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu tiềm năng của nhiều ngành hàng trong đó có các sản phẩm gỗ, ông Đỗ Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Hoa Kỳ cho rằng, cần tìm ra nguyên nhân để khắc phục, lấy lại đà tăng trưởng. Doanh nghiệp cần xác định lại chiến lược kế hoạch sản xuất kinh doanh trong nước, xác định rõ thị trường và sản phẩm, tìm hiểu quy định, rào cản xuất khẩu sang thị trường lớn như Hoa Kỳ; cải thiện chất lượng hàng hoá cũng như công nghệ sản xuất.

    Để phát triển thị trường, doanh nghiệp ngành hàng ngoài tìm kênh phân phối lớn, cần tìm đến các thị trường ngách, bởi các nhà phân phối lớn có trở ngại là khi giảm các nhu cầu thì họ sẽ ngắt kết nối khiến cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp bị đứt gãy. Đặc biệt, khi xúc tiến thương mại nên tìm đến các doanh nghiệp, người địa phương, ký kết hợp đồng tư vấn để tìm được thị trường ngách, giải quyết hàng tồn kho, hàng lẻ.

    (Theo HQ online)

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline